THƯ VIỆN TỈNH PHÚ YÊN


Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan ở Phú Thọ

 “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan ở Phú Thọ”

Phú Thọ là vùng đất cội nguồn, nơi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Nơi đây có rất nhiều các loại hình văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, với những giá trị đặc trưng và độc đáo đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia dân tộc trở thành di sản chung của nhân loại, trong đó Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan được Unesco ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc bảo tồn tốt di sản tạo ra giá trị phong phú cho tài nguyên du lịch, các hoạt động du lịch làm cho di sản sống động trong cộng đồng nhưng du lịch cũng có thể xâm hại, làm biến dạng di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ là một trong những trường hợp cụ thể đang chịu ảnh hưởng của những hoạt động du lịch, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa rất cần có những nghiên cứu, phân tích, đánh giá đúng thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp bảo vệ hướng tới sự phát triển bền vững. Cuốn sách “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan ở Phú Thọ” của tác giả Nguyễn Đắc Thủy nhằm đáp ứng yêu cầu này. Sách dày 403 trang, được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2019. Đây là công trình nghiên cứu các quan điểm về bảo vệ di sản văn hóa, tìm hiểu thực trạng, đưa ra những giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Nội dung cuốn sách được chia thành 5 chương:

– Chương 1: Một số vấn đề lý luận về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Tác giả đưa ra một số khái niệm cơ bản, vai trò của di sản đối với du lịch, tác động của ngành du lịch đối với di sản cũng như vai trò của cả cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến một vài quan điểm khác nhau trong việc phục dựng, tính xác thực hay các biện pháp bảo vệ di sản phát triển bền vững.

Chương 2: Nhận diện giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và di sản Hát Xoan trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể ở Phú Thọ. Chương này khái lược lại các di sản văn hóa phi vật thể nói chung ở Phú Thọ, về số lượng, sự phân bố, đặc điểm, hiện trạng và giá trị của di sản đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, tác giả phân tích chi tiết giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ ở nhiều khía cạnh: văn hóa tâm linh, giáo dục tinh thần cộng đồng dân tộc, giá trị lịch sử và tài nguyên du lịch.

Chương 3: Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và di sản Hát Xoan ở Phú Thọ. Tác giả nêu ra thực trạng của việc bảo vệ hai di sản trước và sau khi được Unesco ghi danh cũng như vai trò của nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ di sản.

Chương 4: Kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tác giả nêu ra kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia có chính sách bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Hồng Kông để Việt Nam có thể vận dụng phù hợp.

Chương 5: Bảo vệ, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và di sản Hát Xoan ở Phú Thọ. Những vấn đề cần lưu ý trong công tác bảo vệ và phát huy di sản như: giải quyết mối quan hệ giữa di sản văn hóa và kinh tế; bảo vệ đi đôi với phát triển bền vững; hội nhập văn hóa và thương mại hóa di sản; mô hình, cách thức quản lý hay vai trò của nhà nước và cộng đồng trong quản lý, bảo vệ di sản.

Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc những tư liệu có tính lý luận và thực tiễn trong việc định hướng, xây dựng và thực thi chính sách bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ, để hai di sản này có sức sống lâu bền, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Phú Yên, mời quý độc giả tìm đọc./.

Chia sẻ: