Thú chơi sách
Thú chơi sách
Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 và ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, Thư viện tỉnh Phú Yên giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Thú chơi sách của tác giả Vương Hồng Sển, được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản vào năm 2023, trên khổ giấy 14 x 20 cm, với độ dày 185 trang in.
Tác phẩm Thú chơi sách của tác giả Vương Hồng Sển là một trong những cẩm nang đầu tiên của Việt Nam định nghĩa về “thú chơi sách”, nhắc người đọc giữ gìn các ấn phẩm. Tác giả Vương Hồng Sển viết: “Khi đọc đúng chỗ, sách dạy khôn khéo, vừa an ủi cơn sầu, vừa giúp vui và gây phấn khởi, sách làm đời sống tinh thần người đọc thêm hào hứng, hùng mạnh”.
Vì những giá trị sách mang lại, tác giả cho rằng người chơi sách cần bảo quản cẩn thận, “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa”. Ông viết: “Thử hỏi chừng nào xã hội chúng ta mới có hạng người biết thương sách, mê sách, biết chơi sách và trân trọng xem cuốn sách như những bạn tốt, đáng được gìn giữ lâu dài, và muốn được như thế, cần phải biết dày công săn sóc, nhất là phải biết nương tay…
Xuất phát từ thói quen tìm hiểu kiến thức, Vương Hồng Sển sưu tầm ấn bản khác nhau của cùng một tác phẩm. Từ ấn bản đầu tiên đến những bản in giấy đẹp, có chữ ký tác giả, tranh vẽ minh họa hay có thêm nội dung. Trong Thú chơi sách, Vương Hồng Sển liệt kê 26 ấn bản Truyện Kiều và 11 phiên bản Lục Vân Tiên mà ông sưu tầm được.
Vương Hồng Sển quan niệm: Người chơi không chỉ yêu sách mà còn phải biết phân biệt sách hay sách dở. Theo ông, người chơi sách ban đầu thu thập mọi tác phẩm mình bắt gặp, sau đó chọn lọc những cuốn sách vừa được in khéo, bìa đẹp, vừa có nội dung sâu sắc. Những yếu tố này giúp nâng cao sức sống của tác phẩm sau này. Ông còn khuyến khích mọi người đọc nhiều, phải có sách tiếng Pháp, Anh, Trung và sách chữ Nôm, ngôn ngữ quan trọng của dân tộc.
Tác giả nhớ lại tuổi thơ của mình, về người mẹ gieo vào lòng ông tình thương với sách, về câu chuyện hay nhân vật thú vị mà ông gặp được trong quá trình sưu tầm. Những mẩu chuyện nhỏ giúp độc giả hiểu thêm về tính cách của tác giả, một trong những nhà văn hóa nổi tiếng của vùng Nam bộ.
Sách có đoạn: Mẹ tôi mất năm 1913, lúc tôi vừa được mười-một tuổi, ngây thơ nào biết gì. Mẹ tôi sắm nhiều bộ truyện Tàu, Tam Quốc, Nhạc Phi… dành dụm từng cắc từng xu, đếm đủ bốn cắc bạc mới mua được một cuốn truyện mỏng dánh ‘xem một chút một lát thì hết (lời mẹ tôi nói). Thế mà mẹ con đêm nào như đêm nấy, thức chong đèn dầu lén đọc đi đọc lại mãi cũng bao nhiêu cuốn ấy: mẹ tôi nhờ nó mà biết chữ quốc ngữ; tôi cũng nhờ nó mà hiểu qua các điển tích Tàu và hiếu trung hai chữ.
Đọc sách không chỉ là việc sở hữu những cuốn sách đẹp đẽ, không chỉ là tích lũy những tri thức mà còn thông qua đó, chúng ta tự vun đắp một thế giới tinh thần phong phú, bay bổng có thể bằng đôi cánh của trí tưởng tượng đi đến những miền đất xa xôi, gặp gỡ những con người mới, sự vật mới; càng chan hòa với thế giới thì tấm lòng càng thêm bao dung, rộng mở và cuối cùng là tạo nên sự chuyển biến trong chính mình. Trong thế giới hiện đại ngày nay, thật dễ dàng để tiếp cận những cuốn sách và không khó để sở hữu chúng. Thú chơi sách là một thú nhân, chơi sách không chỉ là đọc mà thôi, còn phải biết trân quý sách.