Bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam hiện hành
Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, môi trường đầu tư ở nước ta không ngừng được cải thiện, hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện đã tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau ra đời và phát triển mạnh mẽ. Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trong doanh nghiệp, quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Vấn đề bảo vệ quyền của người lao động nói chung và quyền của người lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn là vấn đề phức tạp, rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Để hiểu rỏ hơn về vấn đề này Thư viện tỉnh Phú Yên giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam hiện hành”
Cuốn sách do Nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2019, sách dày 354 trang với khổ 15 x 21 cm. Nội dung cuốn sách gồm có ba chương.
Chương 1: Những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư ngước ngoài và pháp luật về bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chương 2: Thực trạng và thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Chương 3: Quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong quan hệ lao động, người lao động luôn ở vị thế yếu hơn, quyền và lợi ích của họ dễ bị người sử dụng lao động xâm hại do họ phụ thuộc và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Vì vậy, phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người trong lao động, pháp luật nước ta quy định chặt chẽ các nội dung bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động.
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh ưu điểm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc vi phạm pháp luật về lao động ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn xảy ra như: hợp đồng lao động giao kết không đúng loại; không nộp bảo hiểm xã hội hoặc nộp chậm… Những vi phạm này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lao động kéo dài, ngừng việc tập thể, đình công… ở các doanh nghiệp đó. Điều này gây thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp, quyền lợi các bên trong quan hệ lao động, đặc biệt là quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động không được đảm bảo và làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở nước ta.
Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện môi trường pháp luật trong đó quyền và lợi ích của người lao động được đảm bảo, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư kinh doanh và đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế đất nước thực sự cần thiết trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Xuất phát từ những yêu cầu đó, cuốn sách “Bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam hiện hành” đã tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo vệ quyền của người lao động là công dân Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là công dân Việt Nam, có đầy đủ các quyền công dân, quyền con người theo quy định của pháp luật. Nội dung cuốn sách nghiên cứu, làm rõ việc bảo vệ các quyền liên quan trực tiếp đến đời sống của người lao động trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động đó là: bảo vệ quyền việc làm; bảo vệ quyền nhân thân của người lao động; bảo vệ quyền liên kết và tự do công đoàn.
Sách hiện có tại thư viện mời bạn đọc đến đọc!