THƯ VIỆN TỈNH PHÚ YÊN


Chương trình phát thanh “Sách và Văn hóa đọc”: Phát sóng trưa thứ 4 ngày 16/4/2025

Xin chào quý thính giả! Chào mừng các bạn đến với chương trình phát thanh “Sách và Văn hóa đọc”. Chương trình được phát sóng vào trưa thứ Tư hàng tuần trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên.

Thời lượng: 10 phút. Từ 11:15 – 11:25

Thưa quý thính giả! Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, sách vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tri thức và nhân cách con người. Tại Phú Yên, phong trào phát triển văn hóa đọc ngày càng lan tỏa sâu rộng với nhiều mô hình sáng tạo như tủ sách gia đình, thư viện cộng đồng, thư viện trường học, cà phê sách… Qua đó, hình thành thói quen đọc, khơi dậy tinh thần tự học và gắn kết cộng đồng. Chương trình “Sách và Văn hóa đọc” do Đài PT-TH Phú Yên phối hợp với Thư viện tỉnh thực hiện sẽ cùng quý thính giá khám phá những câu chuyện truyền cảm hứng, những mô hình hiệu quả và nỗ lực bền bỉ trong hành trình đưa sách đến gần hơn với mọi người, mọi nhà.

Mục Giới thiệu sách hôm nay xin trân trọng gửi đến cuốn sách: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm của tác giả Nguyễn Quốc Vương.

Thưa quý thính giả! Trong những năm gần đây, văn hóa đọc tại nước ta nói chung và Phú Yên nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình đọc sách ở cơ sở được xây dựng và duy trì hiệu quả, góp phần tạo nên không gian đọc ý nghĩa cho cộng đồng, từ đó khơi dậy niềm yêu thích sách trong mọi tầng lớp nhân dân.

Phong trào xây dựng tủ sách gia đình ngày càng được nhiều người hưởng ứng. Tiêu biểu tại Phú Yên là tủ sách gia đình Thịnh Giàu ở Phú Sen Đông, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa. Với vị trí thuận lợi gần UBND xã và trường THCS Hòa Định Tây, nơi đây thu hút đông đảo bạn đọc. Cùng với đó, tủ sách của ông Nguyễn Đình Chúc, phường 1, TP. Tuy Hòa, với hơn 1.000 đầu sách thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội… không chỉ là kho tàng tri thức, mà còn là một di sản tinh thần đầy giá trị, mang đến cơ hội tiếp cận tri thức cho cộng đồng hoàn toàn miễn phí. Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh chia sẻ: “Tủ sách bác Chúc, Thịnh Giàu là một trong những điểm lan tỏa văn hóa đọc truyền thống, không gian mạng…giúp tủ sách cộng đồng ngày càng phát triển đưa đến bạn đọc những tài liệu hay. Đôi lúc ở những tủ sách này có mà tủ sách thư viện không có…”

Các tủ sách gia đình hiện nay rất phong phú về nội dung như nghiên cứu khoa học, lịch sử, pháp luật, văn học, kỹ năng sống … Chủ nhân các tủ sách đều có mong muốn giản dị: sách đến được tay những người thật sự cần đọc. Ông Nguyễn Đình Chúc – một người dành tâm huyết cả cuộc đời mình để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng – tâm sự:  “Có vườn kiến thức sẽ giúp chúng ta tiếp thu được kiến thức bên ngoài. Đó là những gì cả đời thầy giáo chúng tôi đã làm được. Tủ sách này để cho con cháu và cho người dân có thể tiếp nối, phát triển. Ước mơ tủ sách này sẽ đến được với người cần sách.”

Trong mỗi gia đình, sự hiện diện của tủ sách sẽ giúp cải thiện môi trường giao tiếp, nuôi dưỡng tình cảm giữa các thành viên. Việc đọc sách cùng nhau sẽ tạo nên những kết nối sâu sắc và bền chặt.

Với người trưởng thành, đọc sách là cách hiệu quả để trau dồi kỹ năng, tránh tụt hậu trong thời đại thông tin số. Bên cạnh nỗ lực từ cộng đồng, hệ thống thư viện công cộng vẫn giữ vai trò chủ lực trong việc phát triển văn hóa đọc. Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh chia sẻ thêm: “Mục đích đưa văn hóa đọc về cơ sở, tiếp cận gần bạn đọc để các bạn ở vùng sâu vùng xa tiếp cận với sách…”

Sách đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành nhân cách, mở rộng tư duy và phát triển toàn diện con người. Trong hành trình lan tỏa tri thức ấy, tủ sách gia đình không chỉ là nơi lưu giữ kho tàng kiến thức mà còn là không gian nuôi dưỡng thói quen đọc, kết nối yêu thương giữa các thế hệ và cộng đồng. Chính từ những tủ sách giản dị ấy, tinh thần học tập suốt đời được vun đắp, góp phần xây dựng một xã hội tri thức bắt đầu từ chính nền tảng quan trọng nhất – gia đình.

Quý thính giả đang nghe chương trình phát thanh Sách và Văn hóa đọc do Đài PT & TH Phú Yên phối hợp Thư viện tỉnh thực hiện. Chương trình được phát trên sóng FM tần số 96 và 102,7 MHz, phát trực tuyến tại địa chỉ www.ptpphuyen.vn.

Thưa quý thính giả! Dù công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội phát triển nhanh chóng, sách vẫn có vị trí không thể thay thế. Đặc biệt với giới trẻ, sách tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hành trình học tập và trưởng thành, nhưng theo một cách thức mới – hiện đại và linh hoạt hơn.

Các thư viện hiện nay đã có nhiều đổi mới, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ, từ đối tượng phổ thông cho đến những người nghiên cứu chuyên sâu. Nhiều sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện được xây dựng sát với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng. Với học sinh, đọc sách giúp các em học sinh hình thành thói quen học tập chủ động, mở rộng vốn sống và khả năng diễn đạt. Bà Võ Thị Nguyễn Huệ – Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh Phú Yên cho biết: “Theo tôi đánh giá phát triển. Thư viện các trường học phát triển. việc đọc sách kết nối với cộng đồng và rất khả quan…”

Từ chỗ chỉ tập trung vào tuyên truyền nhận thức, các hoạt động khuyến đọc hiện nay đã chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng thông tin và trải nghiệm đọc cho người dùng. Nhiều mô hình sáng tạo như chuyến xe tri thức, thư viện xanh, tủ sách phụ huynh, thư viện lớp học… đã được triển khai ngay tại địa phương. Ngoài ra, còn có những nỗ lực nhằm tiếp cận và phục vụ các đối tượng yếu thế như trẻ em mầm non, người khuyết tật…

Em Nguyễn Thị Thanh Nhã, học sinh Trường THCS Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa chia sẻ cảm nhận của mình khi được tiếp cận với các mô hình đọc sách hiện đại: “Con thường xuyên lên thư viện trường mượn các đầu sách văn, thơ để đọc từ đó mang lại những điều mới mẻ trong nhận thức của con…”

Bên cạnh việc giải trí, mô hình “không gian cà phê sách” đang dần trở thành nơi học tập lý tưởng, thu hút nhiều bạn trẻ đến đọc sách, ôn bài hay làm việc nhóm trong không gian yên tĩnh. Việc đọc sách trong không gian mở, nhẹ nhàng như cà phê sách giúp thư giãn, lan tỏa tinh thần chia sẻ, kết nối cộng đồng thông qua tri thức. Em Linh Anh, TP. Tuy Hòa, một người thường xuyên ghé thăm không gian cà phê sách chia sẻ: “Tới mùa thi thì con và các bạn thường đến đây để cùng nhau ôn tập. Học trong một môi trường này con thấy được thư giãn và mang lại hiệu quả cao.

Nhiều bạn trẻ còn có thể quyên góp sách để hỗ trợ cho các thư viện vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi hay hải đảo, góp phần tạo nên một cộng đồng học tập gắn kết và đầy ý nghĩa.

Xây dựng và phát triển văn hóa đọc không chỉ là một phong trào mang tính hình thức, mà còn là nhiệm vụ lâu dài, có ý nghĩa thiết thực trong sự nghiệp phát triển con người và nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Từng trang sách, từng tủ sách, từng mô hình đọc mới mẻ hôm nay đang là những viên gạch góp phần dựng xây nên một xã hội học tập – nơi tri thức được chia sẻ và lan tỏa đến mọi người, mọi nhà.

Và sau đây là chuyên mục Giới thiệu sách trong số phát thanh ngày hôm nay.

Thưa quý thính giả! Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, khi văn hóa đọc đang dần được khơi dậy và cổ vũ mạnh mẽ, nhiều người đã lựa chọn đồng hành cùng hành trình này bằng những cách rất riêng. Trong số đó, tác giả Nguyễn Quốc Vương là một gương mặt đặc biệt. Không chỉ viết sách, dịch sách, tổ chức các buổi tọa đàm, tư vấn phát triển văn hóa đọc, ông còn bán sách rong – một việc làm đầy giản dị nhưng lại chứa đựng tinh thần truyền cảm hứng mạnh mẽ.

Và trong hành trình đó, tác phẩm “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” chính là một điểm nhấn, một “tự sự” đầy chân thành và sâu sắc về giáo dục và văn hóa đọc, từ góc nhìn của chính một người từng bước gieo mầm tri thức đến cộng đồng.

Cuốn sách được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2023, với ba phần nội dung rõ ràng, cũng chính là ba thông điệp cốt lõi mà tác giả gửi gắm: Tuổi trẻ cần đọc sách và trải nghiệm để mở rộng tầm nhìn; người trưởng thành phải biết tự học, tự khai sáng, sống có trách nhiệm với xã hội và đất nước; và cuối cùng là những kinh nghiệm thực tiễn từ Nhật Bản trong việc phát triển văn hóa đọc từ gia đình đến nhà trường và cộng đồng.

Cuốn sách còn như một chiếc gương soi chiếu hành trình học tập và trưởng thành của mỗi người, đồng thời mở ra những gợi ý thiết thực để từng cá nhân, từng gia đình và nhà trường cùng chung tay khơi dậy tinh thần ham học, khát tri thức – điều từng là nền tảng quan trọng trong phong trào khai dân trí và canh tân văn hóa của cha ông ta. Với “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm”, mỗi bạn đọc sẽ được truyền cảm hứng để bắt đầu – hoặc tiếp tục – cuộc hành trình học hỏi không ngừng nghỉ trên con đường phát triển bản thân và góp phần dựng xây xã hội học tập hôm nay.

Chương trình phát thanh “Sách và Văn hóa đọc” tuần này đến đây là kết thúc. Quý thính giả có thể nghe lại chương trình trên website www.ptpphuyen.vn hoặc https://thuvienhaiphu.com.vn/?p=6974&preview=true

Cảm ơn sự quan tâm và đồng hành của quý vị! Hẹn gặp lại trong những số phát thanh tiếp theo với nhiều nội dung hấp dẫn hơn!

Chia sẻ: