THƯ VIỆN TỈNH PHÚ YÊN


Lịch sử Đảng bộ thành phố Tuy Hòa (1930 – 2025)

Lịch sử Đảng bộ thành phố Tuy Hòa (1930 – 2025)

Thành phố Tuy Hòa, tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên, với diện tích 107,3 km2, bờ biển dài hơn 30 km, có 2 đảo nhỏ (hòn Dứa và hòn Than), dân số khoảng 202.030 người; với lợi thế có đầy đủ các loại hình giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt và đường hàng không nối liền Tuy Hòa với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Nhân dân Tuy Hòa có lòng yêu nước nồng nàn và truyền thống cách mạng bất khuất. Dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng, quan trấn biên Lương Văn Chánh được cử khai hoang, lập ấp, mở mang bờ cõi về phía Nam, hình thành những cộng đồng dân cư đầu tiên của vùng đất Tuy Hòa, Phú Yên. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng các phòng trào đấu tranh với tinh thần kiên cường, bất khuất khiến kẻ thù phải run sợ. Sau khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước, truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Tuy Hòa lại càng được phát huy cao độ, góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 lịch sử, hoàn thành mục tiêu “giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc” hoàn thành khát vọng hoà bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước, mở ra một thời kỳ mới cùng cả nước phát triển nhanh và bền vững.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Tuy Hòa góp phần xứng đáng cùng cả nước giành được những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”

Quyển sách “Lịch sử Đảng bộ thành phố Tuy Hòa (1930 – 2025)”, do nhiều tác giả biên soạn, sách dày 704 trang, in trên khổ 15×21 cm, có lời nói đầu, kết luận, các phụ lục và 8 chương:

Chương I: Khái quát vùng đất, con người, văn hoá và truyền thống yêu nước.

Chương II: Thời kỳ vận động thành lập Đảng và đấu tranh giành chính quyền trong Cách Mạng Tháng Tám (từ 1920 đến 1945).

Chương III: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (từ 1945 đến 1954).

Chương IV: Tuy Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng quê hương (từ 1954 đến 1975).

Chương V: Thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước (từ 1975 đến 1986).

Chương VI: Thị xã Tuy Hòa – tỉnh lỵ Phú Yên cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện (từ 1986 đến 1996).

Chương VII: Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá xây dựng Tuy Hòa phát triển nhanh, bền vững (từ 1996 đến 2010).

Chương VIII: Thời kỳ xây dựng thành phố Tuy Hòa văn minh, xanh, sạch, đẹp, phấn đấu thành đô thị loại I trong năm 2025 (từ 2010 đến 2025).

Nội dung các chương được trình bày một cách có hệ thống theo từng chặng đường lịch sử đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng, hào hùng, bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam và người dân quê hương núi Nhạn – sông Đà; làm cho nhân dân Tuy Hòa tăng thêm lòng tin và sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết xung quanh Đảng bộ, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, ngày càng văn minh, giàu đẹp, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sách đang có tại thư viện, trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

 

 

Chia sẻ: