THƯ VIỆN TỈNH PHÚ YÊN


Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa

Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; bằng cuộc sống thanh cao, giản dị, trong sáng, Người đã nêu tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, nhân dân và để lại cho chúng ta một di sản quý báu về tư tưởng và đạo đức của một người cách mạng trong thời đại mới.

Nhằm thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Phú Yên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa” do tác giả Đào Phan biên soạn, được nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2018. Cuốn sách là tập hợp gồm ba tác phẩm của tác giả Đào Phan. Đó là: Hồ Chí Minh – danh nhân văn hóa, xuất bản năm 1991, Đạo Khổng trong văn Bác Hồ, xuất bản năm 1996; Suy tưởng trước Ba Đình, xuất bản năm 1998.

Tác giả Đào Phan xuất thân trong một gia đình trí thức yêu nước, là một chiến sĩ cách mạng hoạt động trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ giữa thập niên 30 của thế kỷ XX. Cuộc đời tác giả đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trong công cuộc đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh vô cùng ác liệt, Đào Phan đã lặng lẽ tự nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lòng khâm phục cuộc đời hoạt động cách mạng vì Dân vì Nước của Người.

Cuốn sách tập hợp bộ ba tác phẩm giới thiệu đến bạn đọc gồm:

HỒ CHÍ MINH – DANH NHÂN VĂN HÓA, gồm 5 chương, được tác giả công phu nghiên cứu trong hai chục năm qua về bậc vĩ nhân mà giờ đây Đại hội đồng UNESCO khẳng định là một “anh hùng giải phóng dân tộc” và một “danh nhân văn hóa kiệt xuất”. Mở đầu chủ đề này là những dự báo của nhà thơ Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam về Nguyễn Ái Quốc qua cảm nhận lần đầu tiếp xúc “Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và sự tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải như văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai…”

Những lý tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của nhân dân các nước, Người vận dụng một cách sáng tạo nền văn hóa nhân loại để đưa văn hóa vào sinh hoạt quần chúng ở nước ta bằng cách mở ra nền văn hóa mới thông qua việc xây dựng đời sống văn hóa mới trong nhân dân ngay sau cuộc cách mạng Tháng Tám thành công; Người vận dụng cái cũ để sáng tạo ra cái mới cao hơn với phương châm Dân tộc, khoa học, đại chúng. Bác Hồ đã đưa triết học đi vào đời sống thẩm mỹ của con người; Bác đã xây dựng con người trên nền tảng truyền thống đạo đức được phát triển trong thời đại mới, tất cả được thể hiện bao trùm giá trị truyền thống của phương Đông và hiện đại của phương Tây. Với mục tiêu chiến lược của một nền giáo dục thời đại nhằm đào tạo những công dân biết làm người để rồi còn có thể làm công bộc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng chăm lo đến nền tảng đạo đức trong sự nghiệp xây dựng con người cũng giống như “trồng cây” thì cần vun đắp “cái gốc”. Lòng tin đối với con người và đối với nhân dân, đó chính là một nét bao trùm nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nét căn bẳn nhất của mọi nền văn hóa, giáo dục, nghệ thuật.

SUY TƯỞNG TRƯỚC BA ĐÌNH (tùy bút), gồm 4 chương: Thử đoán dòng suy tư của Bác; Khi loài người thương tiếc!; Mai cốt cách…; Con người và vị tướng.

Thử đoán dòng suy tư của Bác là nội dung đầu tiên giúp bạn đọc khám phá những nội hàm sâu sắc trong các vần thơ của Người về quê hương đất nước và đặc biệt là sứ mệnh của dân tộc. Hồ Chủ tịch vốn cùng vui điều vui của dân, cùng lo điều lo của dân và hơn nữa, còn lo trước cả điều lo của thiên hạ, đã có lần Bác tâm sự rằng:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Tại nơi đây, Ba Đình lịch sử, qua những đêm trăng lồng cổ thụ. Bên trong cánh song ấy, Bác Hồ đang suy nghĩ mông lung trước ánh trăng ngàn thu của đất nước thân yêu. Lật từng trang sách, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn tại sao Bác Hồ chọn chủ nghĩa Mac-LeNin để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Bạn đọc càng lắng sâu hơn về một con người vĩ đại nhưng thật đơn giản và gần gũi thông qua nội dung Mai cốt cách, Bác đã sống một cuộc đời trong xuốt như pha lê. Sự xúc động mạnh mẽ của bạn đọc trước phong cách thung dung của Bác, chắc hẳn cũng do sức truyền cảm sâu sắc của cái cốt cách thanh thản nơi Người. Nội dung con người và vị tướng đã được các học giả, nhà báo nước ngoài và những nhà cách mạng vĩ đại của nước ta đều khâm phục về con người của Bác. Theo lời một nhà báo Pháp “Cụ không phải là một nhà chỉ huy, mà đúng ra, là một con người đi thức tỉnh các tâm hồn”.

ĐẠO KHỔNG TRONG VĂN BÁC HỒ

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống khoa bảng Nho học, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi bước chân lên tàu rời cảng Nhà Rồng đã có sẵn trong mình một hành trang tri thức Nho học. Vì vận mệnh, tương lai dân tộc, Người đã đến với chủ nghĩa Mác – LêNin, đến với phương pháp luận khoa học nhất trong việc xác định đường lối cứu nước cho một dân tộc thuộc địa. Lý tưởng độc lập, tự do dân tộc hòa vào lý tưởng cộng sản cao đẹp. Chính vì vậy mà tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn Hồ Chí Minh đã trở thành nơi hội tụ của hai nền văn hóa: phương Đông và phương Tây, trong đó có phần tinh hoa của đạo Khổng.

Thông qua nội dung trong tập sách này, bạn đọc sẽ nhận ra thông điệp chữ “Đạo” của Bác mà tác giả đề cập: Đạo này không chỉ có trong văn, và đạo ở đây là con đường, con đường tiếp cận và cũng là đạo đức, đạo lý làm người… Từ đó độc giả sẽ càng kính yêu Bác Hồ, hiểu biết hơn về thời đại, về tình yêu tổ quốc thông qua các bài viết về các giai đoạn từ năm 1921 đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám; Từ năm 1945 đến chiến thắng Điện Biên Phủ; Từ giải phóng miền Bắc đến bản Di chúc năm 1969.

Đạo Khổng trong văn Bác Hồ xuyên suốt một nửa thế kỷ cách mạng của Người, đã góp phần chứng minh sâu sắc những cống hiến độc đáo của bậc vĩ nhân. Khi văn chương đã thể hiện được cái cốt cách con người của Bác, thì Đạo Khổng trong văn Bác Hồ lại là một bộ phận cấu thành quan trọng trong cái cốt cách cộng sản phong phú của Người. Ở Bác, phẩm chất người cộng sản và phẩm chất người yêu nước là một khối thống nhất, chuyển hóa lẫn nhau trong môi trường văn hóa Đông phương.

Từ sự nghiệp lớn của Đảng và của dân tộc, mỗi chúng ta có thể cảm nhận được điều xúc động thiêng liêng là Bác vẫn còn sống mãi với chúng ta, dẫn dắt chúng ta đi tới thắng lợi của Đổi mới, tới mục tiêu và lý tưởng Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, sự tốt đẹp của cuộc sống, sự hoàn thiện của nhân cách, văn hóa làm người. “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, bởi trí tuệ, tình thương của Bác, tấm lòng bao dung, nhân ái của Bác cổ vũ, thúc đẩy những thế hệ người Việt Nam chúng ta hôm nay và mãi mãi sau này sẽ làm nên nhiều điều tốt đẹp xứng đáng với lòng mong đợi của Người. Cuốn sách “HỒ CHÍ MINH ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ DANH NHÂN VĂN HÓA” là một kiệt tác do tác giả Đào Phan tâm huyết biên soạn với mong muốn những giá trị nhân văn mà Bác Hồ xây dựng sẽ trường tồn mãi trong lòng dân tộc.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Phú Yên, số 258 Trần Hưng Đạo, P.4, tp.Tuy Hòa, mời bạn đọc tìm đọc.

 

Chia sẻ: