THƯ VIỆN TỈNH PHÚ YÊN


Chương trình phát thanh “Sách và Văn hóa đọc”: Phát sóng trưa thứ 4 ngày 23/4/2025

Xin chào quý thính giả! Chào mừng các bạn đến với chương trình phát thanh “Sách và Văn hóa đọc”. Chương trình được phát sóng vào trưa thứ Tư hàng tuần trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên.

Thời lượng: 10 phút. Từ 11:15 – 11:25

Thưa quý thính giả! Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ đã và đang góp phần bảo tồn di sản, vun đắp nhân cách, khơi dậy ý thức công dân, để các em hiểu rằng: Mỗi hành động hôm nay đều góp phần viết nên lịch sử ngày mai. Bởi vậy, lan tỏa tình yêu lịch sử không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, thư viện hay các tổ chức chính trị – xã hội, mà là sứ mệnh chung của toàn xã hội. Một dân tộc biết trân trọng quá khứ sẽ có đủ nội lực để vươn xa trong tương lai. Hiểu được tập quan trọng này, Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để đưa lịch sử đến gần hơn với các thế hệ học sinh. Chương trình hôm nay có bài viết về nội dung này. Mục Giới thiệu sách xin trân trọng gửi đến quý thính giả cuốn sách: Readology: Đọc thế nào? – Tác giả Hoàng Anh Đức và Thú chơi sách – Tác giả Vương Hồng Sển. Mời Quý thính giả cùng nghe.

Thưa quý thính giả! Trong dòng chảy bất tận của lịch sử dân tộc, mỗi thế hệ đều có sứ mệnh riêng để kế tục và phát huy những giá trị đã được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi mời quý thính giả cùng lắng nghe những câu chuyện lịch sử sống động, gần gũi, được kể qua lời của các em học sinh – thế hệ trẻ hôm nay – để cảm nhận rõ hơn sức mạnh truyền cảm hứng từ lịch sử. 

Một trong những biểu tượng sống động ấy là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh – người con ưu tú của đất Phú Yên. Ông là thủy thủ quả cảm trên những con tàu không số, từng vượt sóng gió đại dương để vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam qua tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Những chuyến tàu không chỉ mang theo đạn dược, mà còn chuyên chở khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc. Tiếp xúc với câu chuyện lịch sử cảm động ấy, em Nguyễn Trình Nhã Nguyên, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Lạc Long Quân, chia sẻ: “Cố gắng trong học tập, tuyên truyền các bạn, thế hệ trẻ noi gương các anh hùng…”

Lịch sử không khô cứng, mà gần gũi, sống động và truyền cảm hứng, như cách các em học sinh nhập vai vào những nhân vật lịch sử. Em Phạm Hữu Bằng Khoa, học sinh lớp 5, Trường PT Duy Tân, cảm thấy vô cùng tự hào khi hóa thân vào vai vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, một trong những vị anh hùng kiệt xuất bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam nói: “Thấy tự hào…nỗ lực cố gắng làm mọi điều để góp sức xây dựng non sông Việt Nam”.

Từ câu chuyện của những vị tướng lẫy lừng đến những con người bình dị nhưng giàu nghị lực, mỗi trang sử là một bài học sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và ý chí vươn lên. Tại Thư viện tỉnh Phú Yên, nhiều hoạt động giáo dục lịch sử đang được tổ chức sôi nổi, góp phần lan tỏa tinh thần ấy đến giới trẻ. Bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó GĐ phụ trách Thư viện tỉnh cho biết: “Trưng bày 1.000 tài liệu về lịch sử Phú Yên. Tọa đàm giới thiệu sách về Hồ Đắc Thạnh…sự kiện chính trị lớn nên mong …thưởng lãm đọc sách để khẳng định một lần nữa sự lãnh đạo tài tình của Đảng…”

Quý thính giả đang nghe chương trình phát thanh Sách và Văn hóa đọc do Đài PT & TH Phú Yên phối hợp Thư viện tỉnh thực hiện. Chương trình được phát trên sóng FM tần số 96 và 102,7 MHz, phát trực tuyến tại địa chỉ www.ptpphuyen.vn.

Thưa quý thính giả! Dù sinh ra khi đất nước hoà bình và đã có nhiều bước phát triển lớn về kinh tế nhưng qua những trang lịch sử, thước phim tài liệu, nhiều bạn trẻ vẫn luôn thấy tự hào về những ngày tháng anh hùng của dân tộc.

Một trong những ấn phẩm đặc biệt là cuốn sách “Hòa Xuân – Lũy thép dưới chân Đèo Cả”, ghi lại những trang sử hào hùng của quân và dân Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là câu chuyện của những con người quả cảm đã biến vùng đất Hòa Xuân thành “lũy thép”, góp phần vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Em Bùi Nguyễn Khánh Quyên, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Âu Cơ, chia sẻ cảm xúc sau khi đọc cuốn sách: “Con thích đọc sách…mang lại tinhs chất chiến đấu của ông cha ta, con sẽ cố gắng học tập…”

Thưa quý thính giả! Trong một thế giới đang thay đổi từng ngày, giáo dục lịch sử không chỉ là việc ghi nhớ các sự kiện đã qua, mà còn là truyền cảm hứng để thế hệ trẻ hành động đúng đắn, sống có trách nhiệm. Cô Trần Thị Bích Châu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân, nhấn mạnh: “Trưng bày sách lịch sử. Chúng ta vừa trải qua 50 năm giải phóng tỉnh và hướng tới 50 năm thống nhất đất nước…dạy cho các em về những sự kiện lịch sử như tàu không số”.

Còn em Huỳnh Lê Phúc Lan, học sinh lớp 8A, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, bày tỏ suy nghĩ: “Các quyển sách lịch sử giúp cho các thế hệ hiểu về công cuộc kháng chiến …khi tham quan hiểu hơn về lịch sử, hiểu hơn về ông cha ta đã phải trải qua gian khổ như thế nào”.

Những ngày này, trên khắp cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và xa hơn là 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nay là CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025).

Đây không chỉ là dịp để ôn lại quá khứ hào hùng, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người dân – đặc biệt là thế hệ trẻ – trong công cuộc giữ gìn hòa bình và phát triển đất nước hôm nay.

Tiếp sau đây là chuyên mục Giới thiệu sách trong số phát thanh ngày hôm nay.

Thưa quý thính giả! Chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư, Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4, Thư viện tỉnh Phú Yên chuyển đến quý thính giả hai tựa sách hay, đó là “Readology: Đọc thế nào?” của Tác giả Hoàng Anh Đức và “Thú chơi sách” của học giả Vương Hồng Sển.

Readology: Đọc thế nào? – là một cuốn sách hoàn toàn nhẹ nhàng, dễ đọc dành cho mọi bậc phụ huynh trong hành trình đọc sách cùng con. Từ đầu đến cuối, cuốn sách chứa đầy những lời khuyên bổ ích, dựa trên kiến thức và nghiên cứu khoa học nhưng lại chẳng hề giáo điều, xa cách.Văn phong gần gũi, kết hợp những trải nghiệm của tác giả với tư cách là một người cha, kèm theo hình ảnh minh họa hết sức dễ thương, đã tạo nên một cuốn cẩm nang bỏ túi lôi cuốn cả về nội dung lẫn hình thức để giúp bạn xây dựng cho con cái những kỹ năng đọc sách cần thiết trong xã hội hiện đại.

Ở một góc độ khai thác khác, học giả Vương Hồng Sển lại mang đến cho độc giả một cuốn sách kinh điển, gối đầu giường cho những ai đam mê và si tình với sách, đó là “Thú chơi sách”. Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1960, là một trong những cuốn sách đầu tiên thử tìm cách định nghĩa về “thú chơi sách” và bàn luận về nhiều khía cạnh của cái thú nhàn, thú phong lưu này.

Qua nội dung được truyền tải, tác giả muốn “giục giã” mọi người làm sao cho xứng là người chơi sách, “biết thương sách, mê sách, biết chơi sách và trân trọng xem cuốn sách như những người bạn tốt”. Đặc biệt, ông khuyến khích mọi người đọc nhiều sách, tủ sách người Việt cần có cả sách Pháp, sách Anh, sách Trung Hoa, nhưng cần kíp là phải cứu với sách chữ Nôm, một bộ phận quý giá của ngôn ngữ dân tộc. Song song những suy nghĩ chung về sách, tác giả Vương Hồng Sển cũng chia sẻ về tuổi thơ đọc sách của mình, về người mẹ đã gieo vào lòng ông tình thương với sách và về những câu chuyện hoặc con người thú vị mà ông tao ngộ trên hành trình sưu tầm sách của mình. Những mẩu truyện nhỏ này góp phần giúp độc giả hiểu thêm về chính con người của cụ Vương Hồng Sển, một trong những học giả uy tín nhất về Nam bộ và về thời đại mà cụ sống.

Chương trình phát thanh “Sách và Văn hóa đọc” tuần này đến đây là kết thúc. Quý thính giả có thể nghe lại chương trình trên website www.ptpphuyen.vn hoặc https://thuvienhaiphu.com.vn/?p=7042&preview=true

Cảm ơn sự quan tâm và đồng hành của quý thính giả! Hẹn gặp lại trong những số phát thanh tiếp theo với nhiều nội dung hấp dẫn hơn!

Chia sẻ: